Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc (còn gọi là kỳ tích Sông Hàn) bắt nguồn từ việc đầu tư cho hệ thống đường cao tốc (highway, expressway). Thí điểm đầu tiên năm 1967 chỉ là đường ngắn 24km giữa thủ đô Seoul và Incheon (khu sân bay bây giờ), năm 1969 họ quyết tâm đầu tư vào con đường nối Seoul và Busan, dài 428km, gọi là Gyeongbu Expressway. Khi có giao thông, các nhà máy xí nghiệp và đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đầu tư các cơ sở kinh tế dọc theo trục đường, khiến kinh tế cộng hưởng và tăng trưởng nhanh đến mức không thể tin nổi.
Các giáo sư Hàn Quốc khi nhìn vào Việt Nam, họ nói nếu VN muốn tăng trưởng kinh tế như Hàn Quốc thập niên 70, nên đầu tư vào hệ thống đường cao tốc có tiềm năng kinh tế lớn trước. Đó là 3 đường cao tốc ở miền Tây Nam Bộ (gồm Trung Lương-Cần Thơ-Cà Mau), cao tốc thứ 2 là Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc (vì Sóc Trăng chuẩn bị có cảng biển Trần Đề do Pháp đầu tư tới mấy tỷ đô, lớn hơn cảng Sài Gòn/Cái Mép Vũng Tàu), và đường thứ 3 là Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên nối với cửa khẩu Campuchia. Đây là 3 tuyến đường, nếu dồn hết tiền để đầu tư, sẽ giúp kinh tế VN cất cánh cực kỳ nhanh chóng vì miền Tây Nam Bộ là nơi sản xuất ra lúa gạo, thuỷ sản, rau củ quả… chủ yếu giúp VN đứng top đầu thế giới trong suốt 20 năm qua. Hệ sinh thái hạ lưu sông Mekong (dừa và cây nhiệt đới, lúa, tôm cá…) là hệ sinh thái có một không hai trên thế giới.
Hiện tại đường sá ở khu vực này quá ít, quá nhỏ, nên thời gian vận chuyển một container ra cảng xuất quá chậm, không cạnh tranh lại được các mặt hàng tương tự của Thái Lan. Đường sá ít nên các nhà đầu tư lớn như Apple, Samsung, LG, Hyundai, Mitsubishi, Intel…cũng không chọn miền Tây để lắp đặt nhà máy. Người dân ít việc làm nên dưới miền Tây, khi hỏi con cái đâu, thì họ nói “đi Bình Dương”. Bình Dương có nhà máy nhiều, việc làm nhiều, nên thu hút nhiều lao động. Từ năm 1995, Bình Dương đã làm hệ thống đường sá cực tốt, nên thu hút đầu tư hơn hẳn các tỉnh giáp ranh Sài Gòn khác như Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu….
Nói về đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long, một nhà kinh tế của Nhật ví von như vầy “Trong khi nguồn lực hạn chế, nhà thì đông con, thì người cha người mẹ phải coi đứa nào có tư chất nhất thì đầu tư cho đi học. Đứa đó nó sau này sẽ quay lại nuôi toàn bộ anh em nó, giúp anh em nó phát triển”. Người Pháp đã nhìn thấy điều này sớm nên năm 1881, đường sắt đầu tiên họ xây dựng là tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho dù phải xây dựng hàng loạt cầu qua sông. Con đường trải nhựa đường (hắc ín, lấy từ khu vực biển Chết ở Israel) do người Pháp làm đầu tiên của nước ta chính là quốc lộ 26 bây giờ, nối Đăk Lăk và Khánh Hoà, do Bác sĩ Yersin đề xuất và toàn quyền Paul Doumer cho triển khai, vì tiềm năng của 2 vùng Tây Nguyên-Nam Trung Bộ, phải có đường để kinh tế nơi có tiềm năng nhất phát triển lên, rồi lấy tiền đầu tư tiếp cho vùng khác.
Các bạn đọc bài viết về vai trò đường cao tốc với nền kinh tế Hàn Quốc để có cái nhìn tốt hơn về vấn đề vĩ mô này. Bài viết của hãng thông tấn KBS nổi tiếng của nước bạn.
Như nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong bài hát Tình Ca lưu danh sử sách ngàn đời, ông khẳng định trong quá trình định cư của người Việt trên dải đất hình chữ S yêu thương, “Tấm áo nâu, dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, sống no đầy là nhờ Cửu Long”. Một kỳ tích sông Mekong sẽ bắt đầu nếu người Việt chúng ta dồn hết tiềm lực đầu tư vào châu thổ con sông dài thứ 12 trên thế giới này. Các tập đoàn, các bạn nên bay đến Cần Thơ và toả ra các tỉnh miền Tây khảo sát làm ăn, các bạn sẽ thấy tiềm năng hơn cả chữ kinh khủng. Các bạn đến miền Tây du lịch tham quan cũng được, ngày xưa người Pháp mặc cả với triều đình Huế để lấy cho bằng được Nam Kỳ Lục Tỉnh để làm giàu cho mẫu quốc và bàn đạp tiến ra toàn bộ châu Á là vì tiềm năng kinh tế khổng lồ của nó. Các bạn lên skyscanner.com và đặt vé đi Cần Thơ, lang thang khảo sát, sẽ thấy được cơ hội làm ăn ở đây. Những tập đoàn lớn (cỡ Vin, Sun, FPT, Masan, Trường Hải, HAGL…) cũng nên đi khảo sát để lập những thương hiệu nông sản có thể phủ trùm toàn thế giới được như người Hàn đã bao trùm thế giới về ô tô và điện thoại di động vậy. Còn về du lịch thì khỏi nói, không phải ngẫu nhiên mà Air Asia của ông trùm Tony Fernandes mở 2 đường bay quốc tế từ Cần Thơ đi Băng Cốc và Kuala Lumpur trong thời gian sắp tới, còn Canada thì đang xúc tiến tiền khả thi cho dự án đường sắt cao tốc từ Sài Gòn về Cần Thơ cho 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long, quy mô gần bằng dân số nước Úc. Hãng mới Bamboo Airways cũng nên nhanh chân mở đường bay quốc tế từ Cần Thơ và đường bay nội địa đến Cà Mau, Rạch Giá để khai thác độ chịu chơi của dân đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực ĐBSCL kinh tế phát triển sẽ nhanh vì người dân vùng này rất chịu khó tiêu xài, sẽ kích thích việc sản xuất và lưu thông hàng hoá. Tiết kiệm của người dân, về vĩ mô, là không tốt cho nền kinh tế.