Sự thật của cuộc sống thực tập sinh nông nghiệp ở nước ngoài nè các bạn. Ai đi làm farm ở NZL, Mỹ, Nhật, Israel, Úc……đều phải làm việc ngoài cánh đồng hoặc trong nhà đóng gói và làm việc chân tay.
Dưới góc nhìn của các ông chủ lớn và những người tự thân lập nghiệp thì những cái trở ngại này chỉ là con muỗi. Nhưng với các công tử tiểu thư hoặc các bạn sinh trong 1 gia đình cha mẹ có lối giáo dục tào lao, thì sẽ thấy đó là 1 sự khủng khiếp. Sẽ chán nản, tưởng màu hồng, tưởng như ở nhà, tưởng điều khiển máy móc hiện đại lắm, tưởng x tưởng y… Đâu có ai lừa ai đâu, mọi thứ nó vẫn vậy, người ta thấy vậy là bình thường, còn mình thì là địa ngục.
Đợt rồi thăm 1 farm ở Úc, 2 bạn thực tập sinh VN làm lớn chuyện vì cái toilet bẩn, ông chủ nói “thì tụi mày làm cho nó sạch đi, ở đây đâu có ai dọn cho tụi mày”, thậm chí một bạn nói “ông có thể đi được ở đó tui chết liền, dịch kiểu, “I will die if you can use this toilet” xong ông ấy vào sử dụng, vui vẻ ra, nói “giờ thì mày chết đi, tao vẫn thọc tay vào toilet đầy phân tươi bình thường”, chứ không phải như tụi mày, nghe chữ Shit thì đã nhăn mặt nói ăn không vô. Khó ăn, nhịn. Khó chịu kệ mày. Không thích nghi thì chết. Vậy thôi.
Nói để các bạn biết là làm nông nghiệp, không có chuyện ngồi ôm máy tính gõ gõ hay bấm nút chéo chéo….như trong phim, dù là nước nông nghiệp hiện đại nhất thế giới đi nữa. Tất cả đều phải “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”. Nhưng cũng có nhiều bạn thích nghi rất tốt, vui vẻ “enjoy every moment”. Bù lại cho sự chịu đựng này là tiền lương cũng khá, và quan trọng hơn là bạn được tận mắt chứng kiến cách làm việc, tốc độ làm việc, tư duy sắp xếp và phân công công việc. Cái này không có thời gian vài tháng làm trong môi trường đó, không nhìn thấy được. Trí thức tinh hoa mà cho lao động chân tay 1 năm là học được rất nhiều. Một quản lý lãnh đạo có tố chất thường được “cho” đi cơ sở, đến nơi xa xôi hẻo lánh từ 2 đến 5 năm là vì vậy.
Sách xưa nói, cứ 1 người ra đời là tạo hoá đeo cho 2 cái túi khổ và sướng vào người, muốn mở cái nào trước thì tuỳ. Ai khôn ngoan thì chọn thử thách gian khó và vất vả thời thanh niên trước, rồi hưởng trái ngọt ở lứa tuổi trung niên đến lão niên, khi sức lao động không còn khoẻ mạnh nữa. Còn ai chọn nhàn hạ khi thanh xuân, thì phải vất vả mệt mỏi vật lộn với tiền nong tài chính và bệnh tật khi về già.
Ăn trưa cùng Tony.