Từ thiện, xin đừng tặng mì tôm nữa!

721
Từ thiện, xin đừng tặng mì tôm nữa!
Từ thiện, xin đừng tặng mì tôm nữa!

1. Trung Quốc hiện đang theo đuổi chương trình “thịnh vượng chung” hay còn gọi là “cộng đồng phú dụ” (共同富裕), 1000 công ty lớn nhất sẽ được giao nhiệm vụ phát triển 1000 huyện nghèo nhất nước này.

Công ty A lớn nhất sẽ nhận 1 huyện Z nghèo nhất, coi như là 1 bộ phận của công ty vậy, giám đốc công ty kiêm phó chủ tịch danh dự huyện (kiêm nhiệm từ xa). Các tập đoàn này phải đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế ở huyện đó, lập khu công nghiệp, lập nhà máy, đồn điền, trang trại, trường học, bệnh viện, khu du lịch, resort….để giải quyết lao động, phát triển huyện về mọi mặt. Trung tâm đào tạo, nghỉ dưỡng của tập đoàn đều đặt tại huyện nghèo này, nhân viên sẽ thường xuyên lui tới để học tập, rèn luyện, nghỉ ngơi. Mỗi nhân viên có trách nhiệm tiêu thụ SP của huyện này SX ra.

Hiệu quả kinh tế giai đoạn đầu là lỗ, nhưng vì là tập đoàn lãi tỷ tỷ nên một huyện nghèo nhỏ xíu kia chẳng thể là gánh nặng. Các ngân hàng lãi khủng tỷ tỷ đô cũng được yêu cầu “gánh” một huyện nghèo xa xôi để phát triển đi lên. Chỉ sau chục năm, kinh tế huyện đó khởi sắc, phát triển vượt bậc, người dân sung túc, no ấm, đạt được sự “khá giả toàn diện”. Tập đoàn Pinduoduo hồi cuối tháng 8 cam kết tài trợ toàn bộ lợi nhuận 372 tr USD mà họ kiếm được trong quý II/2021 để đóng góp cho sự phát triển các khu vực nông thôn của Trung Quốc, sau đó thì Alibaba cũng đóng góp 15.5 tỷ đô, Tencent cũng chi 7.7 tỷ đô vào quỹ “thịnh vượng chung” để phát triển nông thôn xa xôi.

Từ thiện, xin đừng tặng mì tôm nữa!
Từ thiện, xin đừng tặng mì tôm nữa!

2. Hàn Quốc cũng đang ráo riết triển khai chương trình nông thôn mới Saema’eul, các bạn thấy những hộp nhân sâm, Đông Trùng Hạ Thảo, nhung hươu, linh chi… với logo của Samsung, LG, Lotte….trên hộp. Nông sản được trồng ở những huyện nghèo nhất Hàn Quốc, các tập đoàn tới đặt nhà máy chế biến theo chương trình bắt buộc với nghĩa vụ cân bằng kinh tế. Người dân nghèo ban đầu cũng nghi ngờ, có người còn sợ bị chiếm mất đất, có người còn cực đoan muốn nghèo bền vững như vậy (sợ nhà máy tới ô nhiễm, chấp nhận con cháu đi lang thang xin việc khắp nơi)….nhưng sau này, nhận thức khá hơn, tâm lý ghét người giàu bớt dần, và họ mới thấy hiệu quả xã hội của những nhà máy này trong việc phát triển xã hội địa phương. Tiền thuế từ các nhà máy sẽ giúp địa phương có tiền để đầu tư bệnh viện hiện đại, đường sá nông thôn rộng rãi khang trang, trường học sạch đẹp, người già được phát tiền mỗi tháng. Hạnh phúc khi cuối đời, vẫn sống ở làng quê mà được gần con gần cháu. Các đô thị thì bớt sự quá tải do di dân lên tìm việc làm. Nông thôn Hàn Quốc bây giờ rất tiện nghi, tươi đẹp.

3. Top 500 công ty lớn nhất của mỗi quốc gia nên có chính sách tương tự, thay vì vinh danh và lên sân khấu nhận giải, rồi làm mấy cái từ thiện tào lao như mì tôm hay quần áo cũ. Giao cho họ 500 xã nghèo nhất đất nước để họ phát triển, coi như nhiệm vụ xã hội cần phải có 1 của doanh nghiệp chân chính. Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nơi người dân rất cần việc làm để không phải ly hương.

Trước khi các tập đoàn về đầu tư, thì mỗi người trẻ, nếu có đầu óc và năng lực tí, cố mở cái gì đó để giúp bà con có việc làm. Đã có nhiều bạn trẻ làm như vậy trên khắp các làng quê VN, rất đáng khích lệ. Doanh nghiệp, nhà máy là cái thiếu ở các vùng quê, các bạn cố gắng tạo ra càng nhiều càng tốt. Giúp người, là giúp cái căn cơ như vậy, chứ không phải lâu lâu cho vài thùng mì tôm hay hai ba đồng bạc, họ ăn rồi cũng đói, lại nổi mụn hết đẹp chai đẹp gái. Từ thiện tốt nhất là cho họ việc làm, nhà máy mọc lên khắp các vùng miền thay vì cứ dồn mọi thứ ở quanh Sài Gòn và Hà Nội, những nơi này, lẽ ra chỉ phát triển dịch vụ, thương mại và tài chính.

***** Hệ thống tàu điện ở Trùng Khánh Trung Quốc, gọi là CRT (Chongqing Metro), hiện có gần 500km với 10 tuyến, toả đến mọi xã nghèo nhất, người dân bản làng này có thể bắt 3-4 tuyến tàu điện để đến buôn làng khác để thăm viếng vui chơi. Trong hình là người nông dân huyện miền núi Bích Sơn (璧山) sáng sớm lấy tàu điện chở rau ra chợ trung tâm Tp Trùng Khánh để bán rau tươi. Họ có thể chọn tự doanh nông sản hoặc cung cấp thành nguyên liệu cho các nhà máy do các tập đoàn kinh tế lớn nhất đất nước, được xây dựng ngay tại thôn, tại xã. Trong thôn đầy đủ cửa hàng tiện ích, siêu thị, quán cà phê, thức ăn nhanh, trạm sạc pin điện, rạp phim, thư viện, trung tâm ngoại ngữ, phòng khám gia đình….với những bãi parking rất lớn dành cho ô tô của dân làng tới đậu. Tất cả đều do những tập đoàn kinh tế (được giao nhiệm vụ phụ trách) tạo ra. Phố có gì thì quê có đó, chỉ là ít người hơn và không khí trong lành hơn.