Chuyện tiền chuyện bạc (phần 3)
Chuyện tiền chuyện bạc (phần 3) – Xem thêm: Phần 1 và phần 2
Cách đây khoảng chục năm, Tony đi công tác ở Anh, ông khách hàng nhờ cầm giùm 2000 đô qua đưa cho con gái đang du học bên đó. Lúc đưa, ông bỏ vô cái phong bì dán kín và ghi tên con gái ở ngoài. Sang London, Tony gọi con bé tới khách sạn lấy. Tony vô cùng bất ngờ là nó mở ra đếm trước mặt Tony, sau đó gọi điện về cho cha nó xác nhận đã nhận được đầy đủ và cám ơn Tony, xong đi về. Ngồi nhìn nó đếm tiền mà Tony giận run, cơn tự ái sĩ diện nổi lên, đại loại nói mấy câu móc méo như tiền bố cô gửi, còn nguyên cả, phong bì dán kín, bộ cô nghĩ là tôi ăn gian lấy bớt hay sao mà cô đếm trước mặt tôi. Cô bé thấy vẫn bình thản nói là anh ơi, tiền bạc là tiền bạc, nhận thì phải đếm, phải xác nhận, nó không liên quan gì đến con người. Từ nhỏ em học ở bên này và được dạy như vậy, và ở đây mọi người đều làm như vậy.
Lúc đó, Tony thấy ghét cách người phương Tây ứng xử. Sao xã hội đó người ta không tin nhau nhỉ? Sao mà thô lỗ và kỳ cục vô văn hoá thế kia. Chuyện nhạy cảm như vậy phải ít nhất đem về, rồi âm thầm kiểm tra chứ. Vẫn đinh ninh là Á hay hơn, tế nhị hơn, khéo léo hơn, văn minh, lòng tin trong xã hội tốt hơn.
Nhưng Tony đã thay đổi quan niệm hoàn toàn cách đây mấy năm, có lần, bà chị họ ở Cần Thơ cần thu 100 triệu của ông khách ở Sài Gòn, nên nhờ Tony qua lấy giùm, ra ngân hàng chuyển cho chị ấy. Tới nhà ông khách thì thấy một biệt thự to đùng, ông khách mặc áo quần sang trọng quá, nên khi ông đưa 100 triệu, Tony ngại đếm, vẫn nhớ sự xúc phạm của cô bé bên London. Khi đem ra ngân hàng, cậu thu ngân đếm tay lẫn cho chạy máy 5-6 lần vẫn chỉ có 99 triệu, thiếu mất 2 tờ 500 ngàn. Tony mới gọi bà chị, chị ấy gọi ông khách, ông khách nói chính tay ông đếm. Bà chị thì nói xưa giờ ông khách này trả đúng cả, chắc em rơi mất ở đâu. Tony nói không có, vẫn cột dây thun đi thẳng từ nhà ông ấy tới đây. Nói qua nói lại, chị ấy nói thôi coi như chị mất 1 triệu tiền công cho em, nộp vô cho chị 99 triệu gấp. Nghe thế thì Tony điên tiết vì tự ái, bỏ tiền túi vô 1 triệu cho đủ 100 triệu rồi chuyển, từ đó không nói chuyện với bà chị nữa. Và cũng từ đó, tiền bạc một xu cũng đếm rồi mới đưa mới nhận.
Bây giờ ngồi nghĩ, nguyên nhân của việc rắc rối, nặng đầu, nghi ngờ, buồn phiền này là ở đâu? “Mất” là động từ diễn tả sự việc trên. Tự nhiên đi làm giùm MẤT 1 ngày, rồi MẤT 1 triệu, rồi MẤT quan hệ? Do đâu? Cuối cùng Tony mới phát hiện đó là tính không rõ ràng, cả nể, ngại ngùng, sĩ diện của người châu Á. Nguồn gốc của mọi nhập nhèm, tan vỡ các mối quan hệ cũng từ đây. Dù là vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè…khi không có sự rõ ràng, suy nghĩ trong lòng bắt đầu khác với biểu hiện ngoài mặt. Rồi nỗi nghi ngờ dâng cao, cao dần rồi đổ vỡ. Lòng tin được xây dựng sai ngay từ phương pháp, nên không bền vững được. Nên người Á hay nói, “nói thật chứ anh thấy em…”, “nói thẳng ra là…”, “thật lòng mà nói…”…Điều đó chứng tỏ phần lớn chúng ta nói không đúng, không trúng, nói vòng vèo…mà lại được xã hội khen ngợi là ăn nói khéo léo. Nghe một người nói khéo, một hồi không hiểu họ muốn nói gì. Người phương Tây phần lớn giao tiếp theo hướng trực tiếp, nhanh gọn lẹ, minh bạch, thẳng tưng,…khiến người Á Đông bị sốc nhưng rõ ràng, minh bạch mới chính là sự bền vững của quan hệ. Họ nói “yes”‘là “yes”, “no” là “no”, ít khi nói “maybe”. Tiền bạc sòng phẳng, anh cưới em, tháng anh lương 3000 đô, anh gửi em 2000, anh giữ 1000. Em cũng có nghĩa vụ bỏ vô 2/3 lương em để làm quỹ chung, cuối tháng cộng sổ, email anh biết. Cô vợ châu Á mà nghe cái này là khóc như mưa, nói anh lạnh lùng, không tin em, không thương em. Em muốn anh đưa hết lương, rồi tuần em phát lại cho anh, vợ phải là “tay hòm chìa khoá”. Nhưng thằng Tây nghĩ khác, yêu là yêu, thương là thương…nhưng dù là honey chứ cũng đâu có quyền móc ví lục bóp ra coi, lục email facebook hay tin nhắn của vợ, của chồng, của người yêu ra coi, ngồi vặn vẹo chất vấn? Vì sao phải đưa tiền rồi xin lại thì mới tin? Mọi thứ đã có quỹ chung. Năng lực quản lý tài chính đâu phải phụ nữ nào cũng giỏi. Đi ăn, hôm nay anh mời, hoặc em trả, hoặc share. Nhưng quan hệ hôn nhân của họ khá bền vững, tỷ lệ ly hôn do người ngoài xen vào hoặc do tiền bạc là rất thấp (Họ ly hôn chỉ khi không còn tình cảm với nhau). Cuộc sống hôn nhân của nọ ít căng thẳng, giận hờn, nghi ngờ, đấu trí, dò xét, kiểm tra, bắt quả tang, níu kéo, giữ chồng giữ vợ gì cả. VÌ CHUNG QUY LÀ HỌ KÉM KHOẢN NÓI DỐI VÀ TỰ ÁI, SĨ DIỆN, CẢ NỂ. HỌ CŨNG KHÔNG SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC COI VÀ KHÔNG COI NGƯỜI KHÁC SỐNG. Họ ngày nào cũng trong trạng thái vui vẻ, tới già vẫn đạp xe đi du lịch cùng nhau. Ông Rob va bà Iris bạn Tony bên Hà Lan năm nay 80 tuổi, kết hôn được 50 năm, ông Rob bị parkinson vẫn run run hỏi bà Iris là tour đi Việt Nam chơi tháng sau, anh trả hay honey trả?
Bạn bè cũng vậy, ăn nhậu rất vui. Vì “who eat-who pay, go Dutch”, tức ai ăn nấy trả, hoặc cộng lại chia đều trừ trường hợp người mời nói trước là chiêu đãi. Hẹn nhau ra quán cà phê, ai tới trước thì tự xếp hàng lấy order, trả tiền trước luôn rồi tới chỗ ngồi, người sau tới tự order rồi tìm người quen, tự bưng ly nước tới. Nói chuyện xong, mạnh ai nấy bưng ly của mình đi đổ vào thùng rác (quán tự phục vụ như Starbucks, Mc Donald, Dunkin…là phải tự dọn dẹp sau khi dùng xong, không tiền boa. Còn quán ngồi mà có người bưng tới thì phải boa 10-15% tiền bill, ăn uống xong, dọn gọn gàng chút trên bàn là được). Còn đi ăn với châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…tới đoạn ăn xong là màn đấu khẩu, đấu trí hay đấu võ…chỉ vì trả tiền. Có một thành phần bản chất ky bo khôn lỏi hay vợ ở nhà không cho tiền (do sợ hư như con nít), tới đoạn thanh toán là tranh thủ đi tiểu hay nghe điện thoại, mặt lấm lét, hèn hèn. Tony bắt trả cho được, không có tiền cho mượn, chứ không có tiền đi ăn làm chi? Còn một thành phần khác tới lúc thanh toán thì móc bóp ra, nói “quọ lãi, quợ lãi, để anh để anh”, tay gạt người khác rồi chụp hoá đơn ôm vào người bỏ chạy. Các thực khách khác lao theo giành giật cái hoá đơn như các cầu thủ đang chơi bầu dục Mỹ. Nhiều người giành trả không phải vì hiếu khách mà đơn giản là sợ người khác coi thường, khinh khi. Xong về tiếc tiền rồi chửi trong bụng. Tony xin phụ trả không được là để họ “lãi” luôn. Xong mời nữa, đâu chục lần ăn ở khách sạn 5 sao là “quọ sợ quọ sợ” ngay. Chứ tiền đâu bao miết? Lúc đó mới ngượng ngùng chịu share.
Trở lại vụ rõ ràng tài chính, khi nhận tiền, dù là cha mẹ vợ chồng anh em, cũng đều phải mở ra đếm, xác nhận bằng miệng hoặc giấy tờ. Không sợ tự ái, kệ họ, sau này họ trưởng thành về nhận thức họ sẽ hiểu. Chẳng may họ nhận thiếu rồi đưa mình, mình cũng không đếm và đưa người khác, có phải rắc rối to không? Với tiền bạc, mọi thứ phải rõ như pha lê.
Khi mình đưa tiền cho ai cũng vậy, đừng bỏ phong bì dán kín, họ đếm, xác nhận và chịu trách nhiệm ngay lúc đó. Hạn chế nhờ người này đưa người kia, uỷ quyền phải được xác nhận là không đi được. Tốt nhất là kêu họ mở tài khoản và chuyển online cho xong, in tờ lệnh chuyển tiền ra bỏ vào mail hay file lưu trữ. Có bi nhiêu tiền, mình lên ngân hàng nộp vô làm cái thẻ visa master, chi gì rút thẻ ra quẹt quẹt ký ký cho nó sang. Uống nước mía xong hỏi chị ơi ở đây có quẹt thẻ hem chị? Cho bả xáng ly nước mía vô đầu mình chơi.
Nói chớ mình hạn chế tiền mặt sẽ hạn chế được các rắc rối như cướp giật, giận hờn, nghi ngờ, khóc than này nọ. Sống văn minh là sống thẳng tưng, sống rõ ràng. Ai nói kệ họ. Mình không có mệt đầu. Mình trung thực, mình minh bạch, mình sòng phẳng…trước hết là cho mình sướng.
Đích đến của đời người, há chẳng phải là 2 chữ HẠNH PHÚC đó sao?