Bệnh Chắc Là
Bệnh Chắc Là – Tony Buổi Sáng
Một lần cô giáo giao bài tập về nhà, đề bài phân tích truyện ngắn của nhà văn X. Con trai nhà văn X cũng học lớp cô này nên mới bèn hỏi ý cha. Nhà văn X giải thích cặn kỹ về quan niệm của ông về câu chuyện, thằng con viết xong nộp thì bị cô giáo phê “không nắm được ý tác giả”.
Người đời, khi nghe xong 1 thông tin, hay suy luận theo khả năng nhận thức của mình, thậm chí biến thành chuyện khác nếu “nghe nói lại”. Người Á châu hay nói vòng vèo, không trực tiếp, tư duy cứng nhắc, bảo thủ nhưng lại sợ mất lòng, nên suy diễn rất kinh. Làm việc với công dân toàn cầu thế hệ mới, “Yes” hay “No” rõ ràng, không có “maybe”. Các bạn đừng có “maybe yes, maybe no”, “chủ trương là Yes nhưng thực tế là No. Nhức đầu vì tốn thời gian suy luận đoán ý.
Hôm Tết vừa rồi, Tony có đi coi đất ở ngoại thành để làm nông trại, tiện ghé thăm nhà chị bạn học ĐH tên Loan. Loan cũng 50 tuổi như Tony, trong khi Tony có cháu ngoại rồi mà Loan vẫn chưa chịu lấy chồng. Đứa em trai Loan muộn vợ mãi mới lấy được, cả nhà ở chung với nhau. Lúc Tony ngồi chơi, thấy cô con dâu báo là “hôm nay sinh nhật bạn, vợ chồng con xin phép không ăn cơm nhà”. Khi cô vừa được chồng chở đi thì Loan và mẹ ngồi vào bàn tổ chức thảo luận ngay. Loan bảo CHẮC LÀ nó chán cơm nhà mình chứ sinh nhật gì. Bà mẹ phụ hoạ CHẮC LÀ mẹ nấu dở, rồi Loan bảo là sao không nấu đi mà bảo dở. Abcxyz. Rồi bà mẹ nói nó dạo này ít nói, CHẮC LÀ nó khinh mẹ…..Sau 10 cái “CHẮC LÀ“, cô con dâu biến thành một con bạch cốt tinh chứ không phải người thường. Bà mẹ nói sẽ về bảo con trai DẠY lại vợ, “tề gia để trị quốc với bình thiên hạ” gì đó nghe như phim Tàu. Tony vô cùng sợ hãi, ngồi ăn cơm mà không dám nói gì, one by one, dish by dish, thìa by thìa, bát by bát…Thấy Tony nhai sùm sụp, Loan và mẹ Loan tổ chức “thi đua” gắp bỏ vào bát Tony vô cùng thô lỗ. Đùi gà Tony thấy dở ẹc, dai nhách mà họ nói ngon lắm. Ai ăn gì kệ họ chứ, văn hoá gắp cho người khác là rất phiền, mình thấy ngon chứ người ta có thấy ngon đâu. Người ta có tay, để người ta chọn. Nên hôm ở nhà cái Loan, Tony nhận miếng nào, lật đật nuốt hết miếng đó, thậm chí hẻm dám gắp lại vì sợ suy diễn là thằng này “ăn miếng, trả miếng”.
Với nhiều người như gia đình Loan, hôn nhân không phải vì hạnh phúc cá nhân của đối tượng cưới hỏi, mà là việc kết nạp thành viên mới cho gia tộc theo văn hoá Nho giáo cổ xưa còn rơi rớt lại một số nước Á châu, nên cô con dâu này vào nhà bị sốc văn hoá ngay. “Dạy con từ thuở con thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”…nhiều người tự cho mình một vị trí cao hơn để “dạy” trong khi chưa chắc nhận thức ai hơn ai. Chồng đâu phải giáo viên, mẹ chồng cha chồng đâu phải giáo viên mà đòi dạy vợ dạy con dâu? Ngay cả cha mẹ ruột cũng vậy, đâu phải cứ lớn tuổi mở miệng nói là luôn luôn đúng, đâu phải con cái đứa nào cũng nhận thức luôn luôn sai. Thước đo sự trưởng thành không phải là tuổi tác, mà là nhận thức. Age’s just a number. Vả lại, mình đòi dạy nhưng quan trọng là đối tượng có muốn HỌC không? TƯ DUY ĐÚNG trong thời đại mới là CÁI GÌ ĐÚNG, CÁI GÌ SAI, (what’s right, what’s wrong) chứ không phải AI ĐÚNG, AI SAI (who’s right, who’s wrong) như xưa. Một đứa bé 15 tuổi nhưng vẫn có thể nói điều lẽ phải, còn ông lão 80 vẫn làm việc xằng bậy như thường, không nên “kính lão đắc thọ” mà nhập nhèm, không dám nói. Mình vẫn lễ phép, kính trọng người già cũng như tin tưởng, tôn trọng trẻ em, nhưng mọi thứ đúng sai phải phân biệt rõ. ĐÚNG SAI THEO LUẬT, THEO QUY ĐỊNH, THEO NGUYÊN TẮC ĐỒNG THUẬN chứ không phải theo cách hiểu cảm tính của từng cá nhân. Nhiều người nói nó chỉ là trẻ con, em út, khoá học sau, hoặc là đàn bà, là dân quê, bằng cấp học hành ít nên không nể…thì rất là duy cảm duy tính, khó làm nên nghiệp lớn với tư duy cổ kính như vậy. Người văn minh là người dám nói “thầy nói sai rồi, mẹ làm sai rồi, sếp quyết định sai rồi, ông bà đã nhận thức sai rồi” trước mặt con trẻ, nhân viên, cháu chắt. Sai thì làm lại, nhận thức lại. Giá trị lúc đó không giảm mà còn tăng lên, nhưng vì sĩ diện, mấy người dám văn minh như vậy?
Nhiều người nói “tao sẽ dạy cho nó một bài học”, chứng tỏ sự bất lực trong quan hệ, khả năng thuyết phục hay tâm tầm gì không đủ để người ta nghe theo. Sống với người có thói áp đặt, bảo thủ, thủ cựu bài tân (khăng khăng giữ cái cũ, bài trừ cái mới, không dám thay đổi) thì sẽ bị họ suy diễn khi trái ý. Mình sống với thể loại này thì nên góp ý, yêu cầu họ thay đổi nhận thức để hoà hợp mà sống. Còn họ khăng khăng thủ cựu nên thoát ly sớm, độc lập tự chủ sớm. Họ áp đặt, suy diễn, nói móc méo, nhiều lý lẽ, theo phong tục tập quán canh tác lạc hậu, cứ CHẮC LÀ miết thì họ khổ tâm, bực bội, giận hờn, tự bứt tóc móc mắt… ráng chịu, mình không dây vào. Cái đích của cuộc sống là an vui, là hạnh phúc một đời người, không phải là đấu trí hay đấu chân tay với nhau vì ba cái quan niệm xa xưa để lại, vốn làm khổ người châu Á đời đời kiếp kiếp xưa nay. Làm ăn hùn hạp với thể loại này, cũng rút lui sớm. Nói câu nào nó cũng ghi nhớ tâm can và nội suy ngoại diễn, thì CHẮC LÀ mình chết.
P/S: Trong bài hát Nhật ký của mẹ, có đoạn khá dễ thương: “Một ngày mẹ thấy, con cười vu vơ, nụ hồng con giấu trong ngăn bàn. Lá thư viết vội, có tên rất lạ (Tò mò bắt ớn, ngăn bàn hay thư cá nhân người ta cũng lén lút kéo ra coi) rồi chị kết luận “CHẮC LÀ người con thương rất nhiều“.
Bài hát thiệt là hay, trúng tâm lý. Dân Á châu mà, không “chắc là” không chịu được.