Một lá thư Thái Nguyên

830
mot la thu thai nguyen

Một lá thư Thái Nguyên

Một lá thư Thái Nguyên – Tony Buổi Sáng.

Thái Nguyên, ngày 22 tháng 4 năm 2016

Con tên là Nguyễn Thị Tra Huyền-đến từ mảnh đất Thái Nguyên trong một gia đình nông dân trồng trà bình thường. Khi con ra đời thì một điều kỳ diệu đã xảy ra: Trong khi cả nhà đều đen nhẻm thì con lại rất xinh tươi. Càng lớn con càng “gực gỡ”, bố bảo đẹp thế này phải vào đại học rồi ra làm “công việc ổn định” chứ làm Trà mấy bữa thì thiên nga cũng sẽ biến thành đà điểu. Thế là con đã quyết chí đi thi đại học, trầy trượt mãi mới đỗ.

Sau 5 năm đại học, con cầm tấm bằng mà lòng đầy hoang mang. Bố mẹ luôn mong con gái được vào làm bàn giấy, sáng mặc zíp ngắn khoe đôi chân dài miên man đi làm, ăn cóc ăn xoài nơi công sở, rảnh thì lôi móng chân móng tay ra dũa dũa cho sang chảnh… rồi tìm một ông chồng biên chế ở doanh nghiệp nào đó nữa là ổn. Biên chế là một từ gì đó rất đặc trưng chỉ có ở nước mình, có nghĩa là “mãi mãi không bị đuổi”, nên gắn với tính từ “ổn định”. Con không thấy việc ngồi gõ gõ máy tính là sướng như các bạn khác, nên khi con lựa chọn con đường khởi nghiệp với cây Trà một năm trước, cả nhà đã rất sốc.

Nhưng cũng vào lúc đó, đứng giữa những sự lựa chọn quan trọng cho cuộc đời, con đươc gặp chị Kim Ngân, chị hơn con hai chục tuổi mà vẫn phấn đấu không ngừng để xây dựng một thương hiệu Việt – Dấm Kim Ngân và hiện giờ đã xuất khẩu được. Và con gặp cả người đàn ông của đời con, người ủng hộ con xây dựng ước mơ của mình. Con đã kết hôn với anh ấy và cũng kết hôn luôn với Trà trong cùng một thời điểm.

mot la thu thai nguyen

Những ngày đầu vất vả, không vốn, không định hướng, ba mẹ từ mặt, chỉ có niềm đam mê và giấc mơ về một thương hiệu Trà Việt, mơ về những người đang làm Trà ở quê hương có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. “Ổn định” với con bây giờ là “ĐẦU RA ỔN ĐỊNH”, SINH NHAI ỔN ĐỊNH cho người khác, không phải chỉ yên ấm cho bản thân mình. Là con gái nhưng con không cam phận làm “nữ nhi thường tình”.

Hồi đầu, con theo đuổi chuẩn Global Gap, lúc ấy chị Tuyết(Trà Khổ Qua Karantina) đã gửi tập tài liệu dày bịch, con đọc cả tháng mà đầu cứ ong ong. May thay, khi nghe về giấc mơ “trên trời” của con, một chú trong Tân Cương đã vui vẻ cho con mượn vườn để nghiên cứu, vườn nhà chú được cấp chuẩn VietGap và UTZ, chú nói chú chỉ biết chăm sóc cây chứ không biết làm thương hiệu, chỉ cần con có thể xây dựng thương hiệu trà từ đây, dần dà khi tìm được thị trường, chúng ta sẽ mở rộng quy mô, để bà con quanh đây cũng được cấp chuẩn và có nguồn thu ổn định. Con thành lập công ty với tên Tâm Thái và sau 6 tháng nghiên cứu ròng rã, dưới sự hỗ trợ của 2 anh bạn kỹ sư, vườn trà đã được chuẩn hóa về quy trình, ngoài ra một sản phẩm khác từ Trà cũng được ra đời đó là một loại Matcha được chế biến từ búp, với độ mịn đạt từ 5 -10 micromet, thơm xanh và hòa tan trong nước, tương đương chuẩn Nhật Bản.

Lúc ấy bài toán khó khăn hơn cả là thị trường tiêu thụ, thậm chí các thành viên trong nhóm không ai được trả lương. Vốn góp được từ các anh em cũng đang cạn dần vì đầu tư cho máy móc, nhà xưởng, bao bì…Giờ kể lại, con thấy không biết mình đã sống đến giờ này bằng cách nào. Chỉ biết bây giờ sản phẩm của con đã có đầy đủ mã số mã vạch và mọi tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu. Mỗi khi bế tắc, mệt mỏi, con đều tìm đến Dượng qua những bài viết trên Cà Phê Cùng Tony, Trên Đường Băng, Ăn Trưa Cùng Tony, rồi lại đọc, đọc đến bài viết khởi nghiệp của Dượng, đọc cả chục lần nhưng lần nào cũng bật khóc cái đoạn dượng mất hết tất cả, ngồi trên bờ sông nhìn chiếc xe Wave Alpha trẻo lủng lẳng mấy bịch phân mẫu. Lúc ấy Dượng có mỗi mình, còn con vẫn may mắn hơn khi có chồng và những người bạn bên cạnh. (Xem thêm bài viết: NHỮNG THÁNG NGÀY KHỞI NGHIỆP của Tony.)

Gần đây, được vào nhóm Sản xuất cùng Tony, mỗi lần con kể lể là bị các anh chị mắng cho, bảo anh chị cũng còn vất vả hơn thế, để được như bây giờ anh chị đã mất ngủ bao đêm, mất hàng lít nước mắt khi hàng tồn chất cao ngất, khi ngân hàng chủ nợ réo gọi, khi bế tắc trước ngày mai, trước những khó khăn mà người khởi nghiệp mới hiểu được… Nghe vậy con cũng thấy được an ủi, quan trọng là con của ngày hôm nay đã đi xa hơn ngày hôm qua, dù là đi chậm hay là nhanh, bò hay là chạy thì vẫn đang tiến về phía trước. Viết thư này xong, gửi cho Dượng là con sẽ đi Bắc Giang sang nhà chị Kim Ngân, nhờ chị giới thiệu giúp con tới mấy cửa hàng bên đó để con đi bán Trà.

Có câu của dượng làm con nhớ mãi, là Mr Lipton đến Srilanka mở nhà máy, người Srilanka học theo và ra một thương hiệu Dilmah lừng danh. Còn nước mình, trong tốp 5 những nhà sản xuất trà lớn nhất thế giới, vẫn chưa có một thương hiệu quốc tế nào.

P/S: Con cứ tưởng Dượng phải già lắm rồi, hồi nói chuyện với chị Kim Ngân mới biết Dượng còn trẻ măng và đẹp trai lắm (cái đoạn đẹp trai Dượng biên tập và thêm vào chứ con hẻm có viết). Và cũng nghe các anh chị nói, dượng không chịu gặp ai ngoài đời, trừ các bạn trong nhóm tình nguyện áo ấm cho trẻ em vùng cao và nhóm tuổi trẻ khởi nghiệp sản xuất. Vậy là con đã có 1 suất rùi á…

Con xin gửi Dượng Fanpage Trà của con đã hoạt động được một thời gian, rất mong được Dượng chỉ bảo thêm. Fanpage Trà: https://www.facebook.com/tamthaitra/