Những tháng ngày Harvard
Những tháng ngày Harvard – Tony Buổi Sáng
Bài 2: Chuyện I răng, I rắc
1. Hồi Tony còn học ở bển, lớp hay chia thành các nhóm để debate (tranh luận). Có lần trong môn Leadership (kỹ năng lãnh đạo), Tony ở một team nọ. Bên kia nói xong bên này nói lại, nhưng thay vì phản biện, bên kia ngay lập tức phất cờ trắng, nói thua. Tony sau này ngồi cà phê với 1 anh trong team đó, đem thắc mắc ra hỏi, ảnh nói tại tao thấy trong team mày có 2 người châu Á phát âm tiếng Anh không phải bản xứ, nên tụi tao kết thúc sớm, kẻo biến thành màn cãi nhau trên giảng đường. Anh nói, từ nhỏ, ba mẹ thầy cô khuyên là khi sang châu Á, hoặc làm việc với người châu Á (không phải sinh ra ở phương Tây), hạn chế chỉ trích, phê bình họ. Còn nếu chẳng may mình bị họ phê bình thì xin lỗi ngay và im lặng. Đặc tính nổi bật của dân Á châu là rất khoái chỉ trích người khác, nhưng khi chính mình bị phê bình thì như đỉa phải vôi, lộn gan lên đầu. Ai chê họ 1 lần là họ nhớ miết, nhắc miết, thậm chí trả đũa trả thù chứ không phải chơi. Lỡ chê trước mặt người khác thì thôi rồi, họ sẽ “sống để dạ, chết mang theo”, vì cái tôi họ lớn, sĩ diện họ lớn. Họ lo sợ nhất trong giao tiếp chính là “lose face” (mất mặt) nên phải tuyệt đối khéo léo. Rất đông người châu Á không chấp nhận sự khác biệt dù họ nói tôn trọng, nhưng thấy ai khác mình là lập tức khó chịu. Họ dạy nhau, giao tiếp khôn ngoan là “tốt khoe xấu che”, tức cái gì tốt thì loan báo rộng rãi, cái gì xấu thì giấu kín bưng. Sai lầm, cái xấu không được nói ra công khai, phải “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng hàng xóm lại có sở thích hóng hớt và bàn chuyện cá nhân, bàn chuyện “người” hơn là chuyện “việc”. Một bên kiên quyết đóng cửa để xử lý nội bộ, 1 bên hóng nghe cho bằng được, thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc mày cũng đoán được.
Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối, của lấp liếm, tụi tao cũng phải nói dối để “keep face” cho tụi mày. Chê tụi mày mặc quần lỗi mốt hay tư thế cầm rượu vang không sang, hay ồn ào nơi công cộng thì tụi mày sẽ “let you know my hand” – cho mày biết tay- ngay. Quê thì khó huề. Nên tụi tao gặp tụi mày là khen thôi là khen, như khen trẻ con ấy, để được việc. Khen thì làm gì cũng được, kêu chết cũng vừa tủm tỉm vừa cười vừa chết.
Cái Tony mới nhớ có lần Tony nấu cơm đãi tụi nó ở nhà trọ. Đồ ăn phải nói dở như hạch, Tony nuốt còn khó mà cả chục đứa nói “wonderful”, “excellent” thậm chí đứa khó tính nhất cũng gật gù bảo “nát bét” (not bad), giơ ngón tay cái lên khen kiểu mày là số 1. Tony vui nên ngồi cười, sướng 7 ngày 7 đêm, dù sau đó rửa chén tới 2h sáng. Giờ coi hình cũ, thấy ngồi cười miết như khùng.
2. Lúc mới qua bển, Tony cũng hay chỉ trích. Thấy khác những gì mình nhận thức xưa nay là lên giọng, toàn you are totally wrong (mày hoàn toàn sai). Cái tụi nó sợ hãi nói “i am so sorry”, “it is my fault”, “is there anything I can do to make you happy””, – tao có thể làm gì để mày có thể bỏ qua cho tao? Xong nó lén lén biến mất, lần sau gặp mình, tụi nó cũng cười tươi nhưng trò chuyện qua loa chứ không nhiệt tình nữa. Mình thì chồm chồm lao tới, xoáy vô hỏi thăm chuyện cá nhân, hỏi bồ bịch vợ con, hỏi thu nhập, hỏi xe hỏi nhà, hỏi cha hỏi mẹ, quần áo tóc tai, xu hướng tình dục, ý kiến của mày về con A thằng B thế nào, mày có biết người nổi tiếng XYZ không…, mấy cái tò mò tọc mạch nhưng lúc đó mình nghĩ là quan tâm. Nhưng tụi nó cứ nhìn đồng hồ rồi nhìn lên trời xuống đất, rồi nói bữa nào gặp lại nha. Cái Tony hết nguồn thông tin để “quan tâm” và loan báo cho bạn bè quan tâm, cũng tiếc.
3. Tony có quen một bác nhà văn nọ. Có lần, bác viết 1 bài báo xem xét bỏ Tết cổ truyền. Lập luận của bác đây là tết của người Trung Quốc, theo nông lịch, tức lịch mặt trăng. Ý tưởng này thật ra không mới, vì cách đây hơn 150 năm, ông Fukuzawa Yukichi đã hiến kế cho Minh Trị Thiên Hoàng về cách thức đưa nước Nhật thoát Á, thoát cách nghĩ cảm tính và quan hệ bùng nhùng để bắt kịp các nước phương Tây, ông đã đề cập cái này. Thoát Á Luận (lý luận thoát Á) đã giúp Nhật Bản vươn lên thành nước châu Á duy nhất trong các cường quốc G7 cho đến nay. Hiện các nước vốn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa (là các quốc gia dùng đũa) như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã bỏ Tết âm lịch. Theo xu hướng kinh tế phát triển, tự nhiên Tết hết vui, rồi người ta không quan tâm nữa. Hàn Quốc xem 3 ngày đầu năm âm lịch là holiday, nghỉ 3 ngày đi du lịch, còn Nhật thì chuyển qua tuần lễ vàng từ Noel đến Tết dương lịch.
Khi bài báo đăng lên, 1 làn sóng phản đối dữ dội, may là hồi đó chưa có mạng xã hội. Với các quan niệm cá nhân, chúng ta có thể phản biện, tranh luận, hoặc ghi nhận, nhưng đừng ném đá. Tranh luận là nguồn gốc của phát triển tư duy, nhận thức. Tuy nhiên, tranh luận phải có phưong pháp, nên xoáy vào vấn đề cần mổ xẻ. Không có ai sai ai đúng, chỉ có cái gì đúng, cái gì sai. Đừng bao giờ chỉ trích dữ dội đối phương cho đã miệng. Người bị chỉ trích cũng đừng có “tự ái” (nhưng thường hiểu nhầm là tự trọng), dùng mọi tiểu xảo tiểu tiết để phản đòn, hoặc suy nghĩ tiêu cực yếu thế như thôi “nghỉ chơi”, “nghỉ làm”, “rút vốn”, “ly dị”…Cũng đừng tiểu nông mà “quân tử trả thù 10 năm chưa muộn”, quân tử gì lạ vậy Tèo?
4. Còn nhớ hồi năm nhất ĐH, Tony có tham gia 1 lần nhậu, tranh luận đề tài “Nên ăn sáng trước hay quánh răng trước”. Ban đầu nói chuyện rất vui, sau hồi cay cú. Hai bên canh me ai nói sai chữ nào là bắt bí liền. Lôi mấy câu nói của người nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Aristotle, Descartes…gì đó để chứng minh người kia sai (Thật ra, mấy ông đó chỉ là các triết gia cổ, quan niệm cá nhân của họ cả ngàn năm trước đã cũ như những phế tích còn sót lại. Những quan điểm này chưa chắc đúng thời đó huống hồ gì với thời nay. Rồi ai biết có tam sao thất bản hem, ổng có nói vậy hem, mấy thế hệ sau suy diễn cũng có). Đỉnh cao “tranh luận” là 2 bên “tranh nói”. Kỹ thuật hỏi dồn – 1 thủ thuật trong tranh luận- được áp dụng triệt để cho người kia mất bình tĩnh, nói sai để bắt bẻ. Cũng may là Tony cũng đã kịp thời dĩ hòa vi quý bằng những câu chuyện hài hước. Bắt tay làm lành, nghiêng ngả lấy xe ra về vừa nói tụi mình thống nhất với nhau là Mỹ không nên quánh I rắc nha. Chủ đề ban đầu là “quánh răng”, cãi sao đó biến thành quánh I-răng, rồi lôi I rắc vô, đẩy lên cao trào sao đó có cả NATO, Nga, Nhật…vô nữa.
Giờ đám bạn xưa gặp nhau, nhắc lại mắc cười gần chết. Cũng có bạn thói quen sống không quên quá khứ-một thói quen lạc hậu Á châu- nói lịch sử không được phép lãng quên, không chịu làm lành. Năm lớp 1 mày đổ mực lên áo tao, tao hận mãi mãi thiên thu nha mậy. Tony năn nỉ thôi các bạn ơi, hồi đó tụi mình nhận thức non nớt quá, tranh luận trước sau gì cũng biến thành cãi lộn. Hồi đó quánh nhau thì ai chẳng cố gắng hết sức để gây người kia thương tích, cũng phải nói người kia thế này thế khác, lúc đó giận mất khôn. Giờ phải hào sảng quên đi. Các cuộc tranh luận trên truyền hình hay trên mạng bây giờ thực ra là buổi cãi vã cho vui giữa các bạn tuy lớn tuổi nhưng đầu óc vẫn dễ -thương- tuổi- học -trò, 10 năm nữa họ xem lại họ sẽ gãi đầu cười ngượng nghịu cho xem. Ai cũng có một thời bé dại để lớn lên về mặt nhận thức. Nói vậy mà cũng có 1 số bạn hem chịu. Hem chịu thì tự mình khổ tâm thôi. Lịch sử là cái hem có thay đổi được.
Cái duy nhất chúng ta có thể làm là viết những dòng tốt đẹp cho ngày hôm nay. Vì, với ngày mai, hôm nay sẽ là lịch sử.
Harvard, 2009.